Gương nông dân thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ phát triển nuôi trồng thủy sản
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tạo nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để người dân đầu tư phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chuyển mục đích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, xã Bản Sen triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi, đào đắp mương, máng đảm bảo được nguồn nước sạch ổn định để các mô hình nuôi trồng thủy sản phát triển. Điển hình gia đình ông Hoàng Văn Thư - Thôn Na Phả - xã Bản Sen là hộ điển hình trong chăn nuôi thuỷ sản của xã.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang đào ao nuôi thủy sản, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Hoàng Văn Thư đã thu được lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm và trở thành tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương. Ông Thư chia sẻ: Những năm 2000 nhận thấy mô hình nuôi cá ao trên diện tích đất trồng lúa trũng không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, chỉ cần cải tạo từng phần diện tích mặt ruộng, nên chi phí đầu tư ban đầu không quá cao, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Anh Hoàng Văn Thư - Thôn Na Phả - xã Bản Sen có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ phát triển nuôi trồng thủy sản
Thời gian đầu gia đình ông gặp khó khăn trong nuôi trồng thủy sản, do chưa có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nuôi trồng thủy sản thông qua nguồn nước, diện tích nuôi, môi trường nuôi, con giống, dịch bệnh... và ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thủy sản. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết bất thường, nắng nóng hoặc giá rét kéo dài cũng tác động tiêu cực đến nguồn nước và sức đề kháng của các đối tượng nuôi.
Ông đã từng bước khắc phục khó khăn, áp dụng kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, xác định làm kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy trong quá trình sản xuất, ông định kỳ xử lý, cải tạo ao nuôi bằng vôi bột, men vi sinh, không sử dụng các loại hóa chất cấm, độc hại trong cải tạo và xử lý ao đầm; các chất thải rắn trong quá trình chăn nuôi (bao bì đựng thức ăn, xác thủy sản chết,...) được thu gom, xử lý đúng quy định và định kỳ thực hiện việc vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn hữu cơ từ cỏ, cám gạo, tỏi, gừng,...lên men do đó hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường xung quanh.
Với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, Ông Thư tiếp tục đầu tư làm hệ thống cấp, thoát nước khu nuôi cá; xây dựng và mở rộng ao nuôi, trồng thêm các loại cỏ. Đến nay, mô hình nuôi thủy sản của Ông Thư cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 3 lao động thường xuyên, thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Từ một hộ gia đình khó khăn, nay đã trở thành một hộ có kinh tế khá ở địa phương, đó chính là thành quả cho ý chí, nghị lực và những sự cố gắng không biết mệt mỏi của gia đình ông Thư. Có thể nói, mô hình phát triển kinh tế gia đình bằng nuôi trồng thủy sản là một mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện nguồn lao động của bà con nông dân ở xã Bản Sen nói riêng và nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện nói chung.
Kim Huệ - Văn Phà, Trung tâm VH, TT - TT huyện Mường Khương