Chàng trai người Tày thắp lửa du lịch cộng đồng

LCĐT - A Bình Homestay thấp thoáng giữa màu xanh bạt ngàn của ruộng lúa, nương chè khiến ai ghé thăm cũng cảm thấy an yên ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đó là “đứa con tinh thần” của chàng trai người Tày - Vàng A Bình, sinh năm 1994, ở thôn Nậm Cậy, xã Bản Liền (huyện Bắc Hà).

Nậm Cậy còn được gọi là Đội 4, là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Bản Liền gần 7 km. Nơi đây rất bình yên, mộc mạc với những nếp nhà sàn đơn sơ, con đường bê tông trải dài, thấp thoáng bóng các mế (mẹ), các chị trong bộ váy áo truyền thống màu chàm bên nương chè xanh non… Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, cả thôn “rủ” nhau đóng góp tiền làm đường bê tông, từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới.

Chào đón chúng tôi với nụ cười tươi, hiền hậu, anh Vàng A Bình giới thiệu: A Bình Homestay là “trái ngọt” của Dự án GREAT (thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch) tại Bắc Hà do Chính phủ Úc tài trợ. Tôi là 1 trong 5 hộ đầu tiên mạnh dạn vay vốn để phát triển du lịch cộng đồng.

Trước đây, anh Bình thường thấy từng tốp khách du lịch từ Hà Giang sang Bắc Hà hoặc ngược lại, khi đến Bản Liền đều dừng lại nghỉ chân, ngắm cảnh, chứ không ở lại lâu do không có chỗ ngủ. Một ngày đầu năm 2017, công ty của người anh họ ở Hà Nội có chuyến công tác tại Bản Liền đã liên hệ lưu trú tại nhà anh Bình. Bất ngờ với lời đề nghị nhưng anh và các thành viên trong gia đình không từ chối. Không ngờ rằng những gì mộc mạc, bình dị của gia đình anh lại hấp dẫn khách từ xuôi lên, họ còn hứa sẽ giới thiệu nhiều bạn bè ghé thăm và “gợi ý” anh Bình nên phát triển du lịch cộng đồng.

Năm 2019, với 50 triệu đồng vay từ Dự án GREAT, anh đã tu sửa, trang trí lại căn nhà sàn, mua thêm chăn, đệm và tự tay may gối, rèm, làm đệm ngồi truyền thống. Anh còn trồng rau, hoa làm đẹp căn nhà và xây thêm nhà tắm, nhà vệ sinh, làm cầu gỗ qua dòng suối gần nhà, trồng vài nương ruộng lúa nếp và nuôi lợn, gà, vịt sẵn nguồn thực phẩm đón khách. Sau khi chỉnh trang, A Bình Homestay có thể đón khoảng 50 khách ăn trưa và khoảng 20 khách nghỉ qua đêm.

“Tham gia dự án, tôi được học thêm tiếng Anh. Tôi còn được dạy cách chụp ảnh và viết bài truyền thông, quảng cáo trên fanpage. Đặc biệt, dự án đã giúp tôi hiểu rằng chính những hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời thường mang đậm bản sắc của người Tày nơi đây mới là những thứ du khách mong muốn được trải nghiệm”, anh Bình tâm sự.

Sau 5 năm, lượng khách du lịch đến lưu trú tại A Bình Homestay khá đông. Du khách trong hoặc ngoài nước đến đây không thể quên những buổi cắm trại trên đỉnh đồi chè Shan tuyết, câu cá suối, hái rau rừng, hái lúa nếp về làm cốm… và những món ăn ngon miệng được như xôi cọ, măng đắng, cá suối nướng, canh rau ngót rừng do chính gia đình anh Bình chế biến.

Pha trà, rót nước mời chúng tôi, anh Bình kể: Sau khi homestay hoạt động được một thời gian thì phải đóng cửa do dịch Covid-19, dự định đón khách không được như kỳ vọng. Chính thời gian này, anh đã ấp ủ biến các sản phẩm nông nghiệp địa phương thành hàng hóa phục vụ du lịch. Xã Bản Liền nổi tiếng với sản phẩm chè Shan tuyết được trồng hữu cơ, có vị ngọt, thơm đặc trưng. Nhiều gốc chè có tuổi đời hàng trăm năm được người dân thu hái lá mang về uống tươi, sao khô bán ra thị trường hoặc làm quà biếu khách quý. Gia đình anh Bình cũng có hơn 12 ha chè Shan, trong đó có 5 ha chè cổ thụ 50 - 60 năm tuổi. Anh quyết định “khoác áo mới” cho những búp chè Shan tuyết của quê hương.

Sau khi nghiên cứu, học cách làm trà lam gác bếp từ nhiều địa phương, anh đã tìm ra “bí quyết” làm những ống trà chắt chiu được trọn vẹn hương vị của chè, của núi rừng. “Một ống trà lam nhìn đơn sơ vậy thôi nhưng phải mất hơn nửa năm trải qua rất nhiều công đoạn. Chè xuân được hái vào sáng sớm khi vẫn còn sương, sau đó đem sao khô rồi nén chặt trong ống tre và gác trên bếp lửa 5 tháng để lên men tự nhiên mới ra thành phẩm”, anh nói.

Sau khi nghiên cứu, học cách làm trà lam gác bếp từ nhiều địa phương, anh đã tìm ra “bí quyết” làm những ống trà chắt chiu được trọn vẹn hương vị của chè, của núi rừng. “Một ống trà lam nhìn đơn sơ vậy thôi nhưng phải mất hơn nửa năm trải qua rất nhiều công đoạn. Chè xuân được hái vào sáng sớm khi vẫn còn sương, sau đó đem sao khô rồi nén chặt trong ống tre và gác trên bếp lửa 5 tháng để lên men tự nhiên mới ra thành phẩm”, anh nói.

Nói về dự định trong tương lai, anh Bình trải lòng: Quê hương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nếu chỉ tận dụng lợi thế cảnh quan thì chưa đủ, tôi nghĩ để phát triển du lịch bền vững cần lấy văn hóa làm điểm tựa. Tôi đã liên kết với bà con trong thôn xây dựng đội văn nghệ để trình diễn các nghi thức, làn điệu dân ca, dân vũ, làm các sản phẩm truyền thống, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Ngoài căn nhà sàn truyền thống, anh Bình còn cho dựng một chiếc chòi gỗ nhỏ rồi mời gọi các chị, các mẹ về ngồi đan nón cọ, đan túi, may mũ vải truyền thống… Gặp khách đến tham quan, chị Vàng Thị Ngoạn (thôn Đội 4) nhanh nhẹn giới thiệu các sản phẩm. Chị Ngoạn cho biết: Tranh thủ thời gian nông nhàn, chúng tôi tập trung ở homestay làm các vật dụng truyền thống của dân tộc mình. Những sản phẩm vốn được sử dụng hằng ngày, giờ có thể trở thành hàng hóa bán cho khách du lịch, mang lại thu nhập cho người dân. Không chỉ vậy, Bình còn hướng dẫn chúng tôi cách giới thiệu về các sản phẩm để mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, sẵn sàng giao lưu, giới thiệu với du khách về văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Anh Bình còn là người khơi dậy phong trào đá bóng đá nữ xã Bản Liền. Vừa là “huấn luyện viên” vừa là “trọng tài” trong các trận đấu, anh đã “biến” môn thể thao vốn dĩ thân thuộc với người dân Bản Liền trở thành sản phẩm du lịch. Hình ảnh những cô gái mặc váy Tày, đầu vấn khăn, chân đi ủng đá bóng trên sân ruộng để lại ấn tượng sâu sắc và cảm xúc mới lạ cho du khách.

Tận dụng mạng xã hội như một kênh giới thiệu, quảng bá du lịch nhanh chóng, sâu rộng, anh Bình thường xuyên chia sẻ hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, những món ăn bản địa hấp dẫn, nét văn hóa lễ hội độc đáo của dân tộc Tày trên facebook, zalo, tiktok… 

                                                                                                                                            Nguồn: Thanh Huệ, Báo Lào Cai điện tử 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập