Triệu Thị Phin Người tiên phong trong việc nuôi ốc nhồi tại Nậm Tha
Ở thôn Khe Tào, xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn nhiều người biết đến chị Triệu Thị Phin giàu lên nhờ nuôi ốc nhồi - một mô hình “đầu tư ít, hiệu quả cao”. Chị là người đầu tiên đưa ốc nhồi về nuôi tại địa phương và đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở ra hướng phát triển nuôi con đặc sản mới có giá trị kinh tế cao cho người dân ở đây.
Hình ảnh chị Triệu Thị Phin.
Mô hình nuôi ốc nhồi của chị Triệu Thị Phin mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xuất thân từ vùng quê nghèo là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn. Trong quá trình tìm mô hình để phát triển, chị nhận thấy ốc nhồi ngoài đồng, trong ao đang ngày càng hiếm dần do biến đổi khí hậu, người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nhiều, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi ngày càng cao.
Sau khi học hỏi kinh nghiệm ở trên sách, báo và tham quan một số mô hình nuôi ốc nhồi có hiệu quả, năm 2019 chị quyết định bàn với chồng vay vốn, cải tạo lại ao của gia đình và với nguồn vốn tích lũy được, chị nhập giống ốc về nuôi. Ngay vụ đầu tiên con ốc nhồi đã mang hiệu quả kinh tế, nên chị đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình để nuôi ốc nhồi thương phẩm.
Qua vài năm nuôi và tích lũy kinh nghiệm, chị Phin quyết định thực hiện nhân, nuôi ốc nhồi giống, vừa để có nguồn giống bảo đảm chất lượng phục vụ nuôi ốc thương phẩm của gia đình, vừa xuất bán ra thị trường.
Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu là bèo tấm, rau, củ, quả, thực phẩm thả nổi trên mặt nước.
Theo kinh nghiệm của chị Phin thì ốc nhồi có ưu điểm là con nuôi phát triển rất nhanh, có sức đề kháng tốt, chi phí thức ăn thấp mà hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đồng ruộng ở địa phương.
Để ốc nhồi phát triển tốt cần phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh. Dưới ao, chị thả các loại bèo, rong khác nhau làm giá để cho con ốc bám vào và đẻ trứng.
Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu là bèo tấm, rau, củ, quả, thực phẩm thả nổi trên mặt nước, ngoài ra phải quản lý được nguồn nước, theo dõi nhiệt độ, độ PH của nước thường xuyên để con ốc có thể phát triển ổn định. Người nuôi cần chú ý đến chế độ ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, sau mỗi vụ cần cải tạo ao đầm, nguồn nước, môi trường phải luôn đảm bảo sạch sẽ.
Khi đã vững kiến thức, làm chủ tất cả quy trình nuôi ốc và có thêm nguồn vốn nhất định, chị đã mạnh dạn đầu tư tiền để chuyển đổi 1.000m2 đất nông nghiệp, cải tạo nhiều ao nuôi, bể ươm giống, bể sinh sản…
Chị Phin cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cung cấp con giống cho người dân trong và ngoài xã.
Hiện nay, mỗi năm trang trại của chị Phin cung cấp cho thị trường hơn một tấn ốc thương phẩm và hơn 200 vạn ốc giống. Theo tính toán của chị Phin, đối với nuôi ốc nhồi thương phẩm, nếu tiến hành nuôi 02 vụ/năm, với giá bán từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg và ốc nhồi giống là 300 đến 500 đồng/01 con, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ngoài mô hình chăn nuôi ốc gia đình chị còn phát triển chăn nuôi thêm một đàn lợn gần 30 con, trồng thêm Quế hữu cơ với diện tích hơn 10 ha trên cây 10 năm tuổi.
Không chỉ trăn trở nhân rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ốc nhồi, với mong muốn phát triển con ốc nhồi theo hướng bền vững, chị Phin cũng đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cung cấp con giống cho người dân trong và ngoài xã. Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, đóng góp tham gia làm đường giao thông nông thôn, giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống... chị là một tấm gương trong học tập và làm theo Bác bằng việc làm cụ thể và thiết thực./.
Nguyễn Ngọc Minh, xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn