Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Sáng 17/11, tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

4.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; các cục, vụ thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 của 63 tỉnh, thành phố; đại diện 74 huyện nghèo toàn quốc.

Về phía tỉnh Lào Cai, có các đồng chí: Đặng Xuân Phong,Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các huyện, thị xã, thành phố.

3.jpg
Các đại biểu dự hội nghị.

Mục tiêu không chỉ đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập mà cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt với tổng kinh phí tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng, gồm 2 dự án và 11 tiểu dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình. Đây cũng là giai đoạn thứ 2 cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước.

 

1.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc hội nghị.

“Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó khăn hơn. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu giảm nghèo không chỉ đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập mà cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn”, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với người nghèo; đồng thời là sự cam kết của Việt Nam với quốc tế về chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm).

Đánh giá khách quan, toàn diện, đưa ra các giải pháp hiệu quả đối với công tác giảm nghèo

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cùng nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn vừa qua; chỉ ra các hạn chế, khó khăn; nguyên nhân và giải pháp khắc phục cũng như định hướng công tác giảm nghèo cho thời gian tới.

Để chương trình đạt được các mục tiêu giải ngân và chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao trong năm 2023 cũng như giai đoạn tiếp theo, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ và tìm ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn một số vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Đó là, vai trò của công tác truyền thông nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững để thực hiện Chương trình; Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao năng lực hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; Giải pháp phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn và phân cấp, phân quyền; Nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin công tác giám sát, đánh giá; thanh tra, kiểm tra thực hiện Chương trình. 

                                                                      Nguồn: Vũ Thanh Nam - Nguyễn Hữu Huỳnh - Phạm Thị Khanh, Báo Lào Cai điện tử 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập