Trồng dâu nuôi tằm mở ra hướng đi mới cho nông dân xã Bảo Nhai
Nhờ chuyển đổi cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong đó có mô hình trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ gia đình ở xã Bảo Nhai đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập tăng cao, cải thiện cuộc sống.

Gia đình ông Lâm Văn Chướng, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai chăm sóc tằm giống

 

Để co một lứa tằm khỏe mạnh không dịch bệnh thì khâu ấp trứng và nuôi dương tằm con là rất quan trọng. Trong đó, việc tách biệt nuôi tằm con khỏi tằm trưởng thành đã giúp hầu hết nông dân rút ngắn thời gian cũng như nâng cao chất lượng giống tằm. Gia đình ông Lâm Văn Chướng, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai là một trong những nông hộ chuyên nuôi tằm con, cung cấp giống tằm uy tín, chất lượng tốt cho các hộ chăn nuôi tằm trên địa bàn xã Bảo Nhai và một số xã lân cận của huyện Bảo Thắng. Mỗi lứa, ông Chướng cung ứng từ 25.000 – 30.000 con giống tằm cho nông dân quanh vùng. Và chất lượng tằm con được bà con đánh giá rất cao. Được biết, từ năm 2019 dự án trồng dâu nuôi tằm được đưa vào xã Bảo Nhai, bước đầu chỉ là khảo nghiệm với vài hộ dân. Trứng tằm phải nhập khẩu từ Trung Quốc về, với giá rất cao. Nhận thấy việc nhập khẩu như vậy không ổn định, ông Chướng đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp để ấp trứng ngay tại địa phương. Vào giai đoạn ấp, nhiệt độ khu ấp phải ổn định ở 25 độ C. Sau 1 tuần trứng nở, tằm con chỉ bằng sợi chỉ, có thể sống bằng năng lượng dự trữ và sau 2 ngày bắt đầu cho ăn lứa dâu đầu tiên. Nuôi 12 ngày, tằm ngủ 3, ăn 4 là có thể xuất bán tới tay bà con. Nói đơn giản như thế nhưng nuôi tằm con là một trong những khâu khó khăn nhất của nghề nuôi tằm. Bởi tằm con, cũng như hầu hết các vật nuôi, dễ bị ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh cũng như các sinh vật gây hại như ruồi, kiến. Vì vậy tằm con rất dễ bệnh, dễ chết. Do đó, gia đình ông Chướng phải đảm bảo quy trình nuôi rất nghiêm ngặt.

 

Với ông, nuôi tằm con gói gọn trong phương châm: cẩn thận - sạch sẽ - tuân thủ quy trình kỹ thuật. Và với phương châm ấy, tằm con của gia đình ông đang cung ứng rộng khắp cho nông dân trong và ngoài xã Bảo Nhai Ông Lâm Văn Chướng, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai cho biết: Trong quá trình nuôi, nếu thuận lợi thì không sao. Con tằm này nó rất là nhiều bệnh, khó khăn nhất là việc để ý bệnh vì con tằm rất là nhỏ, để mà phát hiện bệnh rất khó, vì thế phải quan sát liên tục, mỗi ngày để ý 4-5 lần. Mong muốn hiện nay của người dân là được đầu tư kinh phí làm nhà nuôi tằm riêng, vì hiện nay nhiều nhà vẫn nuôi tằm trong nhà ở lên sinh ra rất nhiều bệnh…

Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi ruộng lúa sang trồng dâu nuôi tằm

 

Từ việc trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống mới. Riêng năm 2021, tuy đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến đại bộ phận người dân, song kinh tế của các hộ trồng dâu nuôi tằm tại xã Bảo Nhai vẫn đảm bảo ổn định, thu nhập tăng cao. Từ ngày gia đình bà Vũ Thị Tam, thôn Nậm Trì, xã Bảo Nhai chuyển đổi diện tích hơn một sào ruộng lúa nước cho năng suất thấp sang trồng dâu để nuôi tằm, đời sống kinh tế gia đình đã cải thiện rõ rệt. Với diện tích dâu này bà Tam nuôi được khoảng 18 – 20 nghìn con tằm, bình quân mỗi tháng cho gia đình lãi gần 5 triệu đồng. Riêng 2 tháng cuối năm 2021, giá kén tăng lên 150.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao. Trước đây, cuộc sống kinh tế của gia đình thường xuyên rơi vào cảnh khó khăn, khi đưa mô hình sản xuất trồng dâu nuôi tằm vào phát triển kinh tế đã mang lại nguồn thu nhập hàng tháng, giúp gia đình thoát khỏi cảnh túng thiếu, nợ nần. Bà Vũ Thị Tam, thôn Nậm Trì, xã Bảo Nhai chia sẻ: Tôi tính là một lứa nhà tôi nuôi bán đi được 5-6 triệu, mà một tháng nuôi được 2 lứa như vậy trừ chi phí đi cũng thu về từ 7-8 triệu dồng. Nuôi con tằm này nó nhàn, vốn ít hơn nuôi lợn, gà. Gia đình nhà tôi hiện nay bỏ cả ruộng lúa để trồng dâu nuôi tằm…

Bà Vũ Thị Tam, thôn Nậm Trì, xã Bảo Nhai thu hoạch kén tằm bán cho HTX Duy Phong

 

Trồng dâu nuôi tằm hiện nay đã và đang là mô hình thoát nghèo, giúp phần lớn người dân trên địa bàn có điều kiện cải thiện cuộc sống, trong số này có nhiều hộ vươn lên trở thành hộ có điều kiện kinh tế khá. Trồng dâu nuôi tằm thời gian ngắn, nhanh có thu hoạch, vì vậy người dân rất phấn khởi. Có nhiều hộ nuôi 2 vòng giống thì cho 1 tạ kén, thời điểm hiện nay, giá kén giao động khoảng 100 – 150 nghìn đồng/kg, trong khi chi phí mua 1 vòng tằm giống người dân chỉ phải bỏ ra 80 nghìn đồng nên chi phí vốn rất ít. Riêng giống dâu thì trồng rất dễ, bà con chăm sóc một năm bón 2 lần phân thì được hái lá liên tục. Để hoàn thành tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Bảo Nhai đã mạnh rạn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Bước đầu những mô hình sản xuất này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi, cơ hội mới cho người dân. Ông Lương Văn Năm – Chủ tịch UBND xã Bảo Nhai khẳng định: Thời điểm hiện nay UBND xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, xuống địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm cho người dân, để bà con tiếp tục phát triển. Đồng thời ký cám kết bao tiêu sản phẩm với HTX Duy Phong. Trong thời gian tới, chúng tôi đang vận động bà con chuyển đổi một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm…

Đổi thay ở nông thôn xã Bảo Nhai

 

Cùng với đó, Bảo Nhai sẽ chú trọng hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm, ổn định sản xuất, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống ấm no./.

 

                                                                                                                                                UBND huyện Bắc Hà 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập