Nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử qua các mô hình
Những năm qua, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo bằng việc xây dựng các mô hình tái hiện một phần các sự kiện, nhân vật lịch sử. Việc làm này không chỉ góp phần làm đẹp khuôn viên trường, mà còn gắn kết việc học lý thuyết trong sách vở với thực tế qua các mô hình, giúp học sinh tiếp thu bài nhanh, nhớ lâu, hứng thú học môn Lịch sử.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1 xây dựng mô hình Quần đảo Trường Sa phục vụ các tiết học biển, đảo quê hương.

Chúng tôi về Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1, xã Nậm Mòn (huyện Bắc Hà) đúng hôm các em học sinh lớp 4 có tiết học tìm hiểu về biển, đảo quê hương. Ngay phía sau cổng trường, hình ảnh Quần đảo Trường Sa với những thông tin về tọa độ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được học sinh say sưa tìm hiểu, ghi chép. Cô giáo Đặng Thu Huyền trải lòng: Môn Lịch sử có nhiều mốc thời gian, diễn biến các sự kiện, trận đánh rất khó nhớ đối với học sinh, vì vậy, tôi phải tìm kiếm các thiết bị dạy học như tranh, ảnh, phim tư liệu, phim hoạt hình và đặc biệt là các mô hình cụ thể trong nhà trường kết hợp giảng dạy lý thuyết giúp các em có hứng thú hơn khi học và nhanh nhớ bài.

Năm học 2021 - 2022, một nhóm học sinh lớp 5 của Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1 đã thiết kế mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sản phẩm đoạt giải Đặc biệt trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021. Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường khẳng định mô hình sẽ được trưng bày tại phòng truyền thống và phục vụ công tác dạy học môn Lịch sử những năm tới.

Ông Nguyễn Nam Chinh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà cho biết: Thời gian qua, các trường đã tích cực làm các mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin trình chiếu video hoặc các nhân vật lịch sử vào giảng dạy môn Lịch sử. Đặc biệt, theo chỉ đạo của Huyện ủy, phòng đã triển khai tới các trường THCS đưa vào giảng dạy thêm lịch sử Đảng bộ huyện lồng gắn với lịch sử địa phương, giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử quê hương.

Trường Tiểu học xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn) huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 200 triệu đồng xây dựng hơn 20 mô hình gồm các chiến dịch lớn, các nhân vật lịch sử để phục vụ dạy và học môn Lịch sử. Dưới tán cây xanh mát, các mô hình nhà tù Hỏa Lò - nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng; dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; địa đạo Củ Chi; chiến thắng Bạch Đằng; các nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, các cô gái ở ngã ba Đồng Lộc… tất cả được tái hiện sống động thông qua những chất liệu đơn giản từ xi măng, sắt, thép, tre gỗ. Bên cạnh là những bảng thuyết minh nội dung chính liên quan đến sự kiện, nhân vật, giúp học sinh vừa vui chơi, vừa tìm hiểu để nhớ nội dung bài học một cách tự nhiên.

“Trong giờ ra chơi hoặc thời gian hoạt động ngoại khóa tìm hiểu thêm các kiến thức lịch sử khác trong khuôn viên của nhà trường giúp chúng em hiểu và tiếp thu bài nhanh, có hứng thú hơn khi học môn Lịch sử” - em Sầm Hà Tuấn Anh, học sinh lớp 3A bộc bạch.

Xuất phát từ ý tưởng giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước và tạo hứng thú học tập môn Lịch sử cho học sinh, từ năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng triển khai thực hiện mô hình “trường học gắn với giáo dục lịch sử truyền thống”. Ban Giám hiệu giao mỗi lớp phụ trách 1 mô hình vừa chăm sóc, tổ chức giới thiệu, giảng dạy cho học sinh. Hằng tuần, các lớp đều có tiết học Lịch sử trực tiếp trên các mô hình gắn với hoạt động ngoại khóa. Thầy giáo Hiệu trưởng Vũ Kim Phúc cho biết: Học sinh được tìm hiểu kiến thức qua sách vở và được tận mắt thấy một phần các sự kiện lịch sử sẽ hiểu và nhớ bài nhanh hơn, với cách làm này đã gợi mở cách thức giáo dục mới giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử của nhà trường.

Nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ từng năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đều hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Không gian lớp học không bó hẹp trong các phòng học mà có thể triển khai ngoài lớp học, tại các di tích lịch sử, bảo tàng, các công trình lịch sử hoặc mô hình lịch sử do nhà trường xây dựng. Đẩy mạnh việc sử dụng đồ dùng dạy học ứng dụng công nghệ thông tin để bài học phong phú, sinh động, dễ tiếp thu, khắc sâu kiến thức cho học sinh.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở chỉ đạo các đơn vị khi xây dựng mô hình phải bám sát hướng dẫn của sở, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc, tính khoa học, tính lịch sử, trang trọng, có ý nghĩa tích cực trong dạy học, phù hợp với điều kiện nhà trường, phù hợp với địa phương. Việc dạy học Lịch sử với các phương pháp tích cực như hiện nay đã khắc phục được cơ bản những hạn chế, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, giúp học sinh hiểu sâu kiến thức, hứng thú với việc học, hình thành tình yêu, lòng tự hào dân tộc.

                                                                                                                                                               Nguồn: Thành Phú, Báo Lào Cai điện tử

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập