Bình dị tỏa sáng giữa đời thường
Chiến tranh đã đi qua rất lâu, nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể những thương binh, bệnh binh. Về với thời bình, những con người ấy dù sức khỏe suy giảm đáng kể, nhưng vẫn thể hiện bản lĩnh, tinh thần “tàn nhưng không phế”, bình dị tỏa sáng giữa đời thường.

Đối với bệnh binh Hoàng Văn Túc ở xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng), dù mất hơn 72% sức khỏe nhưng ông vẫn nỗ lực vươn lên, khẳng định mình “tàn nhưng không phế”. Vừa qua, ông Túc là 1 trong 6 đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh vinh dự được về Trung ương dự Hội nghị biểu dương thương binh, gia đình cách mạng tiêu biểu nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Bệnh binh Hoàng Văn Túc tâm sự: Tôi tham gia cách mạng vào đúng thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Sau 3 tháng huấn luyện đặc biệt tại Lữ đoàn 202, thuộc Quân đoàn 1, năm 1974, tôi cùng đồng đội lên đường vào miền Nam chiến đấu. Cũng chính trong thời gian tham gia chiến đấu, tôi đã bị nhiễm chất độc hóa học.

Sau giải phóng, ông Túc tiếp tục học Trung cấp ô tô (Tổng cục Hậu cần), rồi về công tác tại Quân khu 2. Đến năm 1989, ông nghỉ và hưởng chế độ bệnh binh. Trở về địa phương, ông được bà con lối xóm tin yêu, bầu làm trưởng thôn và bí thư chi bộ nhiều năm liền. Từ năm 2000 đến năm 2011, ông Hoàng Văn Túc trải qua nhiều chức vụ, như Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Với ý chí kiên cường, vượt qua khó khăn, bệnh tật, ông Túc trở thành tấm gương sáng cho các con học tập, noi theo. Đến nay, cả 5 người con của ông Túc đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc. Ông Túc tự hào: Dù điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn dặn các con phải sống tự lập, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Được sống trong hòa bình, độc lập như ngày hôm nay phải nhớ đến sự hy sinh, mất mát của những người đi trước.

Ở tuổi 72, thương binh Đào Ngọc Hoa ở thôn An Quang (xã Quang Kim, huyện Bát Xát) không bao giờ quên những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường Bình Định năm 1974. Đó là khoảng thời gian phơi phới của tuổi đôi mươi, đối mặt với bao hiểm nguy, xông pha nơi trận mạc. Sau khi Chiến dịch giải phóng miền Nam thắng lợi, ông Hoa được phục viên, trở về quê nhà và xây dựng gia đình ở Hưng Yên.

Đến năm 1990, thương binh Đào Ngọc Hoa cùng gia đình chuyển lên sinh sống ở xã Quang Kim. Được người quen giúp đỡ, ông có một số vốn nhỏ, quyết định mở xưởng sản xuất gạch, ngói thủ công. Năm 2012, ông chuyển đổi mô hình kinh tế sang canh tác rau, màu, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Hiện tại, gia đình ông Hoa có hơn 3.000 m2 đất canh tác rau, màu, chủ yếu trồng rau cải, cây ăn quả (200 cây mít, xoài, nhãn) và chăn nuôi 40 con lợn, thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm. Ông Hoa tâm sự: Bệnh tật khiến tôi đau ốm triền miên, nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua, tập trung phát triển kinh tế gia đình và vui với cuộc sống đời thường.

                                                                                                                                Nguồn: Thi Khanh, Báo Lào Cai điện tử

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập